Được biết ông là thương binh chống Mỹ hạng 4/4 và là người có trong tay bộ sưu tập kỷ vật kháng chiến đồ sộ mà ông đã dày công sưu tầm và lưu giữ mấy chục năm nay. Trong căn nhà cấp 4 không có gì là rộng rãi, nhưng ông đã dành một khoảng diện tích khá lớn làm nơi trưng bày. Phải nói là rất nhiều kỷ vật mà ông đã sưu tầm được, có đến hàng chục chiếc ăng gô trang bị cho bộ đội đi nam thời chống Mỹ, đến những chiếc ca đựng nước được chiến sỹ ta tự làm bằng xác máy bay, hay tấm áo trấn thủ, chiến mũ tai bèo đã ngả màu thời gian… tất cả được ông lau chùi, bảo quản và được sắp xếp cẩn thận trên giá gỗ hoặc treo trên tường. Riêng các thiết bị quân sự như chiếc máy VTD 15W, chiếc máy bộ đàm cầm tay do Trung Quốc sản xuất trong những năm 1960 được ông xếp đặt khá cẩn thận trên chiếc kệ trong nhà… Mỗi kỷ vật mà ông đang lưu giữ đều có những lý lịch riêng, ông có thể giới thiệu cho khách một cách thuộc làu, trôi chảy mà không cần giở sách.
Theo như lời ông kể, ông nhập ngũ năm 1972 khi vừa tròn 20 tuổi. Sau mấy tháng huấn luyện ở Thái Nguyên, đơn vị của ông được lệnh hành quân thần tốc chi viện cho chiến trường miền Nam. Ông đã tham gia nhiều trận chiến đấu ở chiến trường khu V. Tháng 4 năm 1974 trong một trận chiến đấu ác liệt với kẻ thù tại căn cứ Núi Bông thuộc mặt trận Bình – Trị - Thiên, ông bị thương và được đưa về tuyến sau điều trị. Sau chiến dịch mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất tổ quốc, ông xuất ngũ trở về và hưởng chế độ thương binh hạng 4/4.
Được hỏi sau khi trở về quê hương nhiều người chỉ lo làm ăn kinh tế, vươn lên làm giàu, tại sao ông lại nghĩ việc đi sưu tầm kỷ vật kháng chiến? Bằng cái giọng khàn khàn của người hút thuốc lào. Ông kể: - Cái số tôi không được may mắn cùng đồng đội tiến vào giải phóng Sài Gòn trưa ngày 30/4, nhưng tôi đã được chứng kiến nhiều đồng đội đã anh dũng hy sinh trước ngày toàn thắng, nhiều người cho tới nay gia đình, người thân vẫn chưa tìm ra phần mộ, nên tôi mong muốn được làm một việc gì đó để góp phần tri ân những người đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của tổ quốc. Vì thế khi trở về, tôi luôn trăn trở tìm mọi cách để thực hiện bằng được điều mong ước là đi sưu tầm kỷ vật kháng chiến, vừa để tưởng nhớ tới những đồng đội đã khuất vừa góp phần làm tư liệu để giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ thanh thiếu niên địa phương sau này.
Thế là từ những năm cuối của thế kỷ trước, mặc dù điều kiện kinh tế của gia đình còn rất eo hẹp, nhưng người CCB Bùi Đình Thu đã cơm đùm, cơm nắm với chiếc ba lô và chiếc xe máy cà tàng. Một mình ông đã đi khắp các tỉnh thành từ Nam ra Bắc để sưu tập kỷ vật kháng chiến, có chuyến ông đi cả tháng trời tìm đến các địa điểm mà đơn vị ông đã chiến đấu, tìm gặp những người đồng đội cũ. Vào thăm chiến trường xưa vừa sưu tầm kỷ vật. Có những thứ ông phải bỏ tiền túi của mình ra mua cho bằng được, có những kỷ vật do đồng đội hoặc bà con nhân dân cảm phục lòng say mê của ông mà hiến tặng.
Sau hơn 20 năm lăn lội, tìm kiếm không biết mệt mỏi đến nay CCB Bùi Đình Thu đã sưu tầm được trên 2.000 kỷ vật kháng chiến với đa dạng chủng loại vật tư quân sự khác nhau mà không ai có thể dùng tiền để mua được. Nghe ông giới thiệu lịch sử của từng kỷ vật mới thấy cảm phục và trân trọng những việc làm bình dị mà cao quý của ông. Đây là những kỷ vật có giá trị về lịch sử và truyền thống đấu tranh oai hùng của dân tộc và cũng có giá trị hơn khi đã có nhiều trường học, nhiều CCB từ các nơi trong tỉnh đã tìm về “bảo tàng” kỷ vật kháng chiến của ông để tham quan học tập… Đặc biệt vào các dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn như ngày 30/4, 7/5, 27/7 và 22/12 các cháu học sinh trên địa bàn đều rất thích đến nhà ông Thu, được nghe ông kể chuyện về lịch sử các cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc, của đất nước mà mỗi kỷ vật nơi ông lưu giữ đều gắn liền với những chiến sỹ quân đội nhân dân anh hùng.
Tiếc rằng khả năng của gia đình ông Thu có hạn, rất nhiều kỷ vật mà ông dày công sưu tầm được vẫn phải xếp đống trong một diện tích chật hẹp, rất khó bảo quản lâu dài. Mong rằng các cấp chính quyền và các nhà hảo tâm giúp đỡ tạo mọi điều kiện để gia đình CCB Bùi Đình Thu xây cất được 3 gian nhà làm nơi bảo quản, trưng bày. Đồng thời cũng là nơi để đồng đội và bà con nhân dân cùng các cháu học sinh ngày ngày đến tham quan, học tập./.
Đỗ Mạnh Hùng Hội CCB huyện Thanh Ba